Ngày 22/08/2023, tại nhà máy của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã diễn ra buổi Lễ khởi động Triển khai lắp đặt Hợp phần 5: Vùng đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại Tây Nguyên.

Buổi lễ có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam, đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê bền vững là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, HTX Nghĩa Hòa, HTX Hàm Rồng, HTX Ia Ring, của tỉnh Gia Lai, đại diện các HTX của Ea Wy, HTX Nghĩa Lộc, HTX Minh Toàn Lợi của tỉnh Đắk Lắk. Hợp phần 5 đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ Hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại vùng Tây Nguyên gồm 2 gói thầu xây lắp với giá trị khoảng 63 tỷ đồng.

Tự hào là doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lựa chọn là đơn vị tham gia dự án liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, HTX và tổ Hợp tác. Đại diện công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Ông Thái Như Hiệp chia sẻ: tại Tây Nguyên, kết cấu hạ tầng có tầm quan trọng cho các HXT để phát triển sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh. Việc dự án được đầu tư xây dựng là sự kỳ vọng của nhiều bà con nông dân với khát vọng phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao vươn tầm thế giới.

“Dự án thành công sẽ kết nối hạ tầng giao thông với vùng sản xuất cà phê của các địa phương và HTX giúp giảm chi phí vận chuyển, đầu tư trong sản xuất. Tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, tăng hiệu quả kinh doanh. Khi các vùng nguyên liệu được định hình, không chỉ đáp ứng về sản lượng xuất khẩu mà còn nâng cao chất lượng cà phê theo yêu cầu của các thị trường khắt khe nhất như Mỹ, EU và Nhật Bản. Giúp cà phê Việt Nam nâng cao vị thế trên thị trường xuất khẩu.” – Ông Hiệp chia sẻ.

Ông Thái Như Hiệp cũng đại diện Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cam kết bao tiêu đầu ra toàn bộ sản phẩm cà phê vùng nguyên liệu của dự án và hỗ trợ các HTX cùng tham gia.

Kỳ vọng về tương lai khi dự án thành công sẽ góp phần kết nối hạ tầng giao thông của các vùng sản xuất cà phê tại các HTX địa phương trong khu vực Tây Nguyên, trọng điểm là Gia Lai và Đắk Lắk, góp phần tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian vận chuyển, tăng lợi nhuận cho người nông dân và doanh nghiệp.  Đây sẽ là cú hích tạo tiền đề cho sự phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao với quy mô lên đến 5.416 ha với sản lượng 16.260 tấn/năm.